Trẻ bị viêm mũi – Cha mẹ cần biết điều gì?

HT
Th 6 25/03/2022

Viêm mũi là một bệnh lý đường hô hấp mà rất nhiều trẻ nhỏ gặp phải mỗi khi thời tiết chuyển mùa. Bệnh có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nếu không được xử trí, điều trị đúng cách. Để tìm hiểu rõ hơn về bệnh viêm mũi ở trẻ nhỏ, hãy cùng theo dõi ngay bài viết dưới đây.

Tổng quan về viêm mũi ở trẻ

Viêm mũi là tình trạng lớp niêm mạc trong mũi bị viêm và sưng tấy. Trẻ nhỏ có cơ thể rất nhạy cảm, khả năng miễn dịch còn yếu là đối tượng rất dễ mắc phải tình trạng này. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ dưới 12 tháng tuổi.

 

Viêm mũi là bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị viêm mũi

Một số nguyên nhân gây viêm mũi ở trẻ em có thể kể đến như:

  • Tiếp xúc với tác nhân dị ứng: Trẻ tiếp xúc với một số tác nhân như bụi, lông động vật, phấn hoa, nấm mốc, con gián,… sẽ rất dễ bị kích ứng, khiến niêm mạc mũi bị viêm nhiễm và tổn thương.
  • Tiếp xúc với yếu tố kích thích từ môi trường: Khói nhang, khói đốt, mùi nước hoa, khói thuốc lá, khói bụi công nghiệp, hóa chất,…
  • Thời tiết: Thời tiết chuyển mùa hoặc thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh khiến cơ thể trẻ không kịp thích ứng sẽ gây ra các bệnh về đường hô hấp, trong đó có viêm mũi.
  • Di truyền: Viêm mũi dị ứng ở trẻ em cũng có thể do yếu tố di truyền. Nếu cha mẹ mắc bệnh thì trẻ sẽ có nguy cơ bị viêm mũi dị ứng cao hơn so với trẻ khác.
  • Bệnh đường hô hấp: Các bệnh viêm đường hô hấp như viêm amidan, viêm họng, viêm phế quản,… có thể gây kích thích niêm mạc mũi dẫn đến bệnh viêm mũi.

Ngoài ra, tình trạng viêm mũi còn có thể xảy ra khi trẻ ăn, đặc biệt là thức ăn cay và nóng, hoặc do sự thay đổi nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt ở những bé gái dậy thì.

Phấn hoa là nguyên nhân phổ biến gây viêm mũi dị ứng ở trẻ

Dấu hiệu nhận biết viêm mũi ở trẻ

Viêm mũi có thể gây nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ. Vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của bệnh là cách tốt nhất để cha mẹ có biện pháp xử trí, điều trị kịp thời và ngăn ngừa bệnh diễn biến nặng.

Dưới đây là một số dấu hiệu của viêm mũi thường gặp ở trẻ nhỏ:

  • Ngứa mũi: Triệu chứng này thường xuất hiện đầu tiên, trẻ sẽ bị ngứa mũi từng cơn do tác nhân dị ứng gây nên.
  • Ngạt mũi, chảy nước mũi: Trẻ có triệu chứng ngạt mũi, chảy nước mũi trong hoặc mũi nhầy, thở khò khè, nhiều trường hợp nặng có thể gây khó thở, nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện chứng ngưng thở.
  • Hắt hơi: Trẻ hắt hơi liên tục, đặc biệt vào sáng sớm do niêm mạc mũi bị kích thích.
  • Sốt: Trẻ có thể bị sốt đột ngột, thường dao động trên dưới 37,5 độ C. Trong trường hợp bội nhiễm, trẻ có thể sốt cao đến 39 – 40 độ C trong khoảng 2 – 3 ngày.
  • Đau họng, ho, chảy nước mắt, đau đầu, ù tai.

Ngoài ra, trẻ bị viêm mũi có thể có các biểu hiện khác như: bứt rứt, thường xuyên quấy khóc, bỏ ăn, mất ngủ về đêm, mệt mỏi, có thể kèm nôn ói hay tiêu chảy. Trường hợp nặng trẻ có thể bị chảy máu cam rất nguy hiểm.

Hắt hơi, sổ mũi là dấu hiệu thường thấy của viêm mũi ở trẻ

Trẻ bị viêm mũi có nguy hiểm không?

Viêm mũi không phải bệnh lý gây nguy hiểm lớn đến sức khỏe và tính mạng của người bệnh. Tuy nhiên, với đối tượng trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh thì viêm mũi là một trong những bệnh viêm đường hô hấp nguy hiểm và khó điều trị dứt điểm nếu không được phát hiện sớm. Nguyên nhân là do cơ thể trẻ nhỏ còn non nớt, sức đề kháng yếu nên dễ bị kích ứng, dị ứng gây bệnh và ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Đặc biệt, trẻ bị viêm mũi nếu không được can thiệp, điều trị đúng cách có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm như:

  • Bệnh chuyển sang mạn tính, kéo dài, tái phát nhiều lần gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ sau này.
  • Bệnh về đường hô hấp: Khi tình trạng viêm trở nên nặng, vùng niêm mạc mũi bị tổn thương sẽ rất dễ bị vi khuẩn, virus tấn công, gây viêm nhiễm đường hô hấp. Đây cũng là nguyên nhân gây các bệnh viêm họng, viêm thanh quản, viêm amidan, viêm xoang,… ở trẻ.
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn: Đây là một bệnh mạn tính nguy hiểm chưa có phương pháp điều trị dứt điểm. Cơn hen suyễn cấp tính hay mạn tính nếu không được xử lý kịp thời có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.
  • Tổn thương thị giác: Triệu chứng viêm mũi nặng có thể lan lên vùng mắt gây ra các triệu chứng ngứa mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt,… ở trẻ, nguy hiểm hơn là gây tổn thương vùng kết mạc.

Ngoài những biến chứng kể trên, các triệu chứng viêm mũi còn khiến trẻ luôn cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, thường xuyên mất ngủ, quấy khóc, bỏ ăn, hay thức giấc về đêm,… Điều này gây nhiều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống sinh hoạt, vui chơi, học tập của bé cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của bé sau này.

Trẻ bị viêm mũi cần được điều trị như thế nào?

Điều trị viêm mũi ở trẻ nhằm mục tiêu kiểm soát các triệu chứng khó chịu của bệnh gây ảnh hưởng đến sức khỏe bé. Tùy thuộc vào tình trạng viêm nhiễm, nguyên nhân gây bệnh, độ tuổi và cơ địa của trẻ nhỏ mà phương pháp điều trị cho mỗi trẻ sẽ khác nhau. Dưới đây là một số phương pháp điều trị viêm mũi cho trẻ thường được áp dụng.

Sử dụng thuốc

Dùng thuốc xịt mũi để làm giảm các triệu chứng của viêm mũi ở trẻ

Khi trẻ bị viêm mũi, bác sĩ có thể chỉ định cho trẻ sử dụng một số loại thuốc điều trị như:

  • Thuốc kháng histamin: Đây là một loại thuốc phổ biến dùng trong điều trị dị ứng giúp giảm các triệu chứng ngứa mũi, hắt hơi, sổ mũi,… Một số thuốc kháng histamin hay được sử dụng như: Clorpheniramin, Fexofenadine,…
  • Thuốc chống viêm: Nhóm thuốc này thường ở dạng thuốc xịt, có tác dụng chống viêm, ức chế vi khuẩn ở niêm mạc mũi. Các thuốc này thường chỉ được chỉ định sử dụng trong thời gian ngắn, bao gồm: Rhinocort, Flixonase,  Pivalone,…
  • Thuốc kháng sinh: Được chỉ trong trường hợp viêm nhiễm nặng, có dấu hiệu nhiễm trùng do vi khuẩn. Một số kháng sinh hay dùng có thể kể đến như: Amoxicillin, Cefuroxim,…

Thuốc điều trị viêm mũi ở trẻ thường chỉ áp dụng với trẻ em trên 3 tuổi và có xuất hiện các triệu chứng cấp tính, nghiêm trọng vì tác dụng phụ của các loại thuốc kháng sinh, chống viêm, thuốc xịt, thuốc xông mũi rất dễ ảnh hưởng đến cơ thể non nớt của trẻ. 

Việc chỉ định dùng thuốc sẽ được bác sĩ cân nhắc tùy thuộc vào tình trạng bệnh, độ tuổi và cân nặng của trẻ. Cha mẹ không được tự ý mua thuốc cho trẻ sử dụng và cần tuân thủ nghiêm túc theo chỉ định của bác sĩ về liều lượng, phác đồ và thời gian dùng thuốc để đạt hiệu quả điều trị tối ưu nhất, tránh các tác dụng không mong muốn của thuốc.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý thực hiện các biện pháp chăm sóc trẻ tại nhà để cải thiện triệu chứng, giúp trẻ dễ chịu và nhanh khỏi bệnh hơn. Dưới đây là một số biện pháp chăm sóc trẻ bị viêm mũi tại nhà cha mẹ có thể tham khảo:

Vệ sinh mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý

Khi trẻ bị viêm mũi và có các dấu hiệu ngạt mũi, chảy nước mũi, cha mẹ cần rửa mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9%, thực hiện 3 – 4 lần hàng ngày cho đến khi trẻ hết chảy nước mũi. Bạn nên sử dụng khăn mềm để lau sạch dịch mũi cho trẻ rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng, tránh dùng giấy hoặc khăn cứng sẽ dễ khiến trẻ bị đau rát mũi.

Đối với trẻ nhỏ không tự xì mũi được hoặc dịch mũi quá nhiều, quá đặc, bạn có thể sử dụng dụng cụ hút mũi để làm thông thoáng đường thở cho trẻ. Bạn cần sử dụng dụng cụ hút mũi đúng cách và chỉ dùng khi thực sự cần thiết vì việc lạm dụng dụng cụ hút mũi có thể gây tổn thương niêm mạc mũi của trẻ.

Tuyệt đối không hút mũi trực tiếp cho trẻ bằng miệng vì điều này có thể khiến trẻ sơ sinh khó thở và vi khuẩn có thể lây lan từ miệng của người lớn vào đường hô hấp của trẻ khiến tình trạng viêm nặng hơn.

Hạ sốt cho trẻ

Trẻ em bị viêm mũi có thể đi kèm với sốt. Nếu trẻ bị sốt cao trên 38,5 độ C, cha mẹ cần hạ sốt cho trẻ nhanh chóng bằng cách cho trẻ uống thuốc hạ sốt kết hợp với lau mát cơ thể. Cách thực hiện như sau:

  • Dùng khăn bông thấm nước ấm (khoảng 37 – 40 độ C), sau đó vắt ráo khăn, lau khắp người trẻ và xếp các khăn ấm này vào hai bên nách và bẹn của trẻ. Thường xuyên đổi khăn đến khi nhiệt độ cơ thể trẻ dưới 38 độ C thì không cần lau mát nữa.
  • Cho trẻ mặc quần áo mỏng, thoáng và để trẻ nằm ngủ ở nơi thông thoáng, tránh gió mạnh, tránh quạt. Theo dõi nhiệt độ cho trẻ thường xuyên và cho trẻ uống bổ sung nước vì sốt dễ khiến cơ thể trẻ bị mất nước.
  • Dùng thuốc hạ sốt trong trường hợp cần thiết và tuân thủ theo đúng chỉ định của bác sĩ, dược sĩ.

Chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ để tăng cường sức đề kháng cơ thể

Bên cạnh việc áp dụng các phương pháp điều trị viêm mũi, cha mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng của trẻ. Một chế độ dinh dưỡng khoa học sẽ giúp trẻ nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa tình trạng viêm mũi tái phát.

Cha mẹ cần bổ sung cho trẻ đầy đủ chất dinh dưỡng từ thịt, cá, trứng, đậu, rau củ quả,… để giúp trẻ nhanh hồi phục hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung cho trẻ các thực phẩm giàu vitamin C, E, khoáng chất (ổi, cam, dâu tây, cà chua, rau cải xanh, rau chân vịt,… ) giúp tăng cường miễn dịch cơ thể để chống lại các tác nhân gây bệnh từ môi trường.

Bạn nên chia nhỏ bữa ăn trong ngày và cho trẻ ăn theo nhu cầu để trẻ ăn được nhiều hơn.

Cho trẻ uống nhiều nước hơn

Bổ sung đủ nước sẽ giúp làm lỏng chất nhầy trong mũi trẻ, giúp trẻ dễ xì mũi hơn, nhờ đó cải thiện các triệu chứng khó chịu cho trẻ. Bạn nên cho trẻ uống nhiều nước ấm hoặc có thể thay thế bằng các loại nước trái cây giúp trẻ dễ uống hơn.

Đối với trẻ sơ sinh, bạn nên bổ sung nước cho bé bằng cách cho bé bú sữa. Bạn nên cho trẻ bú nhiều lần trong một ngày để bé bú được nhiều sữa và hạn chế nôn trớ.

Giữ trẻ tránh xa tác nhân gây dị ứng

Nếu nguyên nhân gây viêm mũi ở trẻ là do các tác nhân dị ứng, cha mẹ cần cách ly, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với dị nguyên đó bằng cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là phòng ngủ và nơi vui chơi của trẻ cũng như tránh cho trẻ tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá, thú nuôi trong nhà,…

Dọn dẹp phòng ngủ của trẻ để hạn chế các tác nhân gây dị ứng

Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Trong trường hợp bệnh viêm mũi của trẻ tiến triển nặng kèm theo các biểu hiện dưới đây, cha mẹ cần kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng để được thăm khám và xử lý kịp thời, tránh bệnh diễn tiến nặng thành các bệnh đường hô hấp khác và để không ảnh hưởng đến khả năng học tập, sinh hoạt của trẻ:

  • Tình trạng viêm mũi ở trẻ kéo dài trên 7 ngày.
  • Trẻ sốt cao trên 39 độ.
  • Có dấu hiệu ngạt thở, hốc mũi xung huyết và ứ đọng nhiều dịch, xuất hiện triệu chứng như đau tai, khàn tiếng, khó thở,…

Chăm sóc và phòng ngừa viêm mũi ở trẻ em

Để hạn chế nguy cơ mắc bệnh viêm mũi ở trẻ nhỏ, các bậc phụ huynh cần chủ động chăm sóc và phòng tránh bệnh cho con mình bằng các biện pháp dưới đây:

  • Giữ vệ sinh tai mũi họng cho trẻ: Vệ sinh hàng ngày bằng nước ấm hay nước muối sinh lý để loại bỏ gỉ mũi, chất nhầy, giúp ngăn ngừa các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, đủ chất dinh dưỡng cho trẻ để nâng cao sức đề kháng và ngăn ngừa bệnh tật.
  • Giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, đặc biệt là nơi trẻ ngủ và nơi chơi đùa.
  • Luôn giữ ấm cơ thể cho trẻ, đặc biệt vào thời điểm giao mùa, để trẻ không bị nhiễm lạnh, ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh đường hô hấp.
  • Hạn chế trẻ tiếp xúc với các tác nhân kích ứng như lông vật nuôi, phấn hoa, bụi bẩn, khói thuốc lá,…
  • Hạn chế cho trẻ ăn các thức ăn có nguy cơ gây dị ứng cao.
  • Cho trẻ uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây mỗi ngày.
  • Hạn chế sử dụng máy lạnh và sử dụng máy tạo độ ẩm, máy lọc không khí trong phòng trẻ.
  • Hạn chế để trẻ tiếp xúc với người lớn đang mắc bệnh: Tác nhân gây bệnh có thể dễ dàng lây lan từ người bệnh sang trẻ, đặc biệt là vi khuẩn gây các bệnh về đường hô hấp. Vì vậy, bạn nên hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người trong mùa dịch cũng như hạn chế hôn, tiếp xúc gần với trẻ khi bị bệnh.

Trên đây là những thông tin về bệnh viêm mũi ở trẻ mà các bậc phụ huynh có thể tham khảo. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp cha mẹ có thêm những kiến thức hữu ích để chăm sóc sức khỏe cho các con một cách tốt nhất.

Viết bình luận của bạn
Bình luận